2010-05-04

MỘT CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG

Trên chuyến xe Hoa mai từ VT về SG tôi gặp một người bạn đồng hành. Bà lên xe ở giữa đường, dáng người nhỏ nhắn, lom khom khắc khổ. Bà vận một bộ áo lam của con nhà Phật Đặc biệt bà có khuôn mặt rất giống bà nội tôi và đó cũng là điểm mà tôi chú ý bắt chuyện cùng bà.
Trên tay bà cầm một xấp hồ sơ và một tấm phim X- quang. Bà chủ động hỏi tôi đi tuyến xe buýt nào thì về tới bùng binh Cây gõ quận 6, tôi trả lời là không rành lắm và bảo bà hỏi lơ xe. Bà bảo thôi để bà đi taxi, tôi nói taxi đắt tiền lắm thì bà bảo không sao bà có thể trả được và bà kể là bà đi lên SG là đi lấy thuốc cho ông chồng đã 88 tuổi bị bệnh phổi mới gần 1 năm nay sau khi bị bệnh tai biến trước đó nhưng giờ bệnh tai biến thì đã khỏe, không đáng sợ bằng bệnh phổi bây giờ. Câu chuyện của bà càng làm tôi tò mò, tôi hỏi bà bao nhiêu tuổi bà bảo 85. Trời ngần ấy tuổi mà đi lo cho chồng thế thì con cháu đâu mà không lo, thế là cuộc đời bà được trải dài trên tuyến đường từ đó cho đến khi tôi xuống xe. Bà sinh ra trên mảnh đất Vàm cỏ đông, Long an. Từ nhỏ bà đã theo cách mạng, mà bà bảo đi thì đi cho vui thế thôi cậu ơi chứ có biết gì đâu, với lại không đi thì thiên hạ chê cười và không đi không được mà cũng chết nên sợ mà theo thôi. Cha chú bà, các em trai bà cũng đi theo cách mạng cả. Rồi bà lấy chồng cũng làm cm, có với nhau 9 mặt con, 4 trai, 5 gái thì giải phóng. Không hiểu ông chồng buồn chuyện gì mà ổng bỏ bà đi tu liền một hơi gần 30 năm mới quay về, bà đoán ông ấy buồn chuyện đời cm. Bà tần tảo nuôi con, bà chuyển nhà lên sống ở quận 6 TPHCM, buôn bán. Giờ thì bà có căn nhà cũng là chùa của cậu con út đang tu tại gia ở đó, bà có tới 3 cái chùa như thế. Hai cái còn lại thì một cái bà mua tặng cho tín hữu ở VT gần Bến đình, một cái bà đang ở cùng ông vào những ngày cuối đời này ở Long thành.
Bà bảo gần cả đời đi theo cm mà bây giừ có mấy mẫu đất họ cũng ép bán mua rẻ để làm dự án gì gì đó giá trị gấp hàng trăm lần của bà. Cha bà cả đời theo cm, sống đến 110 tuổi mới chết, ngày GP chú bà tiếp quản và coi gần cả quân đội miền nam. Mấy thằng nhóc cm thò lò mũi xanh bảo bà khi khai lý lịch nhớ là khai cho kỹ đừng có khai man làm bà cười muốn sặc, tý chết.
Tôi ngắt lời hỏi bà ăn uống sinh hoạt thế nào mà có sức khỏe tốt thế, bà có bệnh gì không. Bà bảo cả cuộc đời bà chỉ ăn cơm với cá nhỏ (lòng tong, rô bí..) không ăn cá lớn, cá biển, không ăn thịt, ăn nhiều rau, củ quả, ăn sáng chỉ toàn khoai lang, khoai môn. Bà còn bảo tuổi trẻ nên dưỡng sức, không chơi bời, nhậu nhẹt. Bà không có bệnh gì cả chỉ khi đi bộ nhiều thì bị mệt thôi, tôi phì cười, cháu cũng mệt khi đi nhiều nữa là bà.
Nhờ tần tảo, tằn tiện nên bây giờ bà cũng có của ăn của để và quan trọng là ông bà có lộc của chúng sanh. Với con cái bà đều dựng vợ, gả chồng và lo cho an học thành công cả và không ai nghèo khó theo bà kể, có đứa còn cho con đi du học, duy chỉ có cậu thứ hai có hiếu nhưng nó ở xa ông bà và nó nghèo nhất, chỉ có mấy dãy nhà trọ cho thuê và buôn bán tháng chỉ kiếm được vài chục triệu hà. Choáng!
Kể đến đây thì tôi thấy giọng bà trầm buồn hẳn lại, từ trong khóe mắt những giọt nước mắt chực trào ra nhưng bà kìm lại được. Bà bảo con bà lo làm ăn quá không quan tâm gì đến ông bà cả, ông bệnh hoạn bao nhiêu lâu như thế mà không đứa nào lo lắng gì, chỉ đến hỏi rồi thôi, có đứa có cả xe hơi nhưng không đưa bà đi mà để bà đi thế này. Bảo đi lấy thuốc cho ông thì đứa này đùn đẩy đứa kia và cứ nhìn nhau. Cái chuyện sống chết, bệnh hoạn của ông bà con cái không quan tâm bằng đạo hữu. Lấy khăn tay lau ngang đôi mắt đỏ hoe, nhiều nếp nhăn chảy xệ, bà cười gượng bảo mà cậu ơi tui là con nhà Phật nên nhiều lúc cũng nghĩ chẳng qua là số kiếp, kiếp trước tui mắc nợ với đời, với con nên giờ tui phải trả. Tui không thật sự buồn cho bản thân, tui thương cho các con tui, bởi theo luật nhân quả của nhà Phật, không biết cháu tui nó sống với con tui thế nào. Mong là chúng nó sướng tâm hơn tui.
Ôi tấm lòng của những người mẹ.
Miên man với những tâm sự của bà mà khi xuống xe tôi quên không nói với bà lời an ủi nào. Tôi mong được gặp lại bà.

0 Comments: