Những năm gần đây tôi và ba thường hay gặp nhau vì gia đình tôi đã dìu dắt nhau lên đất Sài thành này rồi. Cứ mỗi ca đi biển về là ít nhất cũng vài lần tôi chạy lên thăm ba mẹ. Ngày trước ba mẹ tôi ở Đồng nai thì thi thoảng tôi mới chạy về, có khi là cả năm trời cha con mới gặp nhau.
Ngày xưa khi tôi còn nhỏ thì cũng ít được tiếp xúc với ba, ba tôi đi lính biền biệt nên không thường xuyên ở nhà. Nhà chỉ có mấy mẹ con, hình ảnh của ba trong tôi lúc đó là một ông lính bị thương đầu mặt máu me bê bết, nằm dài trên sàn xe nhà binh được người ta chở về sau một vụ tai nạn do tài xế say xỉn đâm xe vào cột cổng đồn lính. Ba tôi chỉ bị thương nhẹ, sau đó thì mọi việc trở lại bình thường, ba lại đi. Một lần khác là hình ảnh ba tôi đạp cửa một căn hộ trong khu gia binh để có chỗ cho vợ con vào ở sau khi ông bị thuyên chuyển đến nơi công tác mới. Sau đó ba tôi bị kỷ luật nhưng nghe ba tôi bảo cũng không có gì nghiêm trọng lắm. Tôi còn nhớ là khi ông bị bắt đi thi hành kỷ luật ông còn đạp vào đít tôi một cái nhẹ do cái tội ham chơi mà để mất mấy trăm đồng lỳ xì tết.
Mẹ tôi bảo ba phải đi nhiều là phải làm thêm nhiều việc để kiếm tiền gửi về quê phụ giúp ông bà nội lo gia đình (ông bà nội tôi ở quê nghèo khó mà lại còn đông con).
Nhờ có cái nghề thợ mộc được học từ trước khi đi lính nên ba tôi cũng kiếm được thêm kha khá, vì thế gia đình tôi cũng đỡ nhiều.
Ngày về quê, trên chuyến xe tải là toàn bộ đại gia đình ba tôi với một mớ hành trang lèo tèo, thiết yếu cho cuộc sống. Nhờ có lý lịch trong sạch nên ba tôi chỉ HTCT có 15 ngày, sau đó ông về làm đội trưởng đội công trình của xã (gồm cơ khí, điện, mộc, xây dựng), ông lại đi suốt. Ba tôi đi lo việc xã hội, việc lớn trong đại gia đình ông (chú tôi đi HTCT để ở nhà thím tôi và 1 đứa con trai nhỏ - Cô Hai tôi đau yếu triền miên - Cô Ba mang bầu, một đàn con nhỏ, không chồng.....). Vậy chứ khi tranh thủ được là ba tôi lại về với anh em tôi, tôi thuộc luôn cái bài hát (có lẽ là dân ca??) mà ba tôi hay hát trong lúc đùa giỡn cùng chúng tôi: "Rừng âm u tôi đi trác qua, rừng âm u tôi đi trở về. Đây có cái ông câu cá, đây có cái ông câu mè....." Bài hát có âm điệu rộn ràng nhưng lời nhạc nghe huyền bí và rờn rợn làm tôi nhớ mãi.
Mọi việc đồng áng, gia đình đều một tay mẹ tôi lo. Anh em chúng tôi còn nhỏ thì làm việc nhỏ trong gia đình. Nghề mộc lại giúp ông kiếm tiền nuôi sống gia đình vào những năm khốn khó đó, ông làm ngày và cả làm đêm, thỉnh thoảng gia đình tôi lại bán được cái bàn, cái giường, cái tủ do ba tôi đóng để trang trải chi phí gia đình, được cái trời cho ông sức khỏe nên ông không hề bệnh tật gì, hay là lúc đó tuổi ông còn trẻ khỏe.
Tôi còn nhớ có lần tôi đánh mắng thằng em mình: "Tao đập chết cha mi chừ" mà không biết rằng ông về và đứng sau lưng anh em tôi tự khi nào, tôi sợ hết hồn nhưng ba tôi chỉ cười hiền và nhẹ nhàng bảo: "Cha của nó đây con". Thấy ba tôi cười, nổi hoảng sợ trong tôi biến mất, mấy anh em nhao ra ôm chầm lấy ba mừng rỡ.
Điều đặc biệt của ba tôi là ông không đánh con cái bao giờ, thỉnh thoảng ba tôi rút cây roi mây trên nóc nhà là chúng tôi kinh hoảng nhưng chưa bao giờ cây roi ấy hằn vết lên mông chúng tôi. Ông chỉ dạy bảo chúng tôi rồi thôi, chắc ông nghĩ rằng mình xa con nhiều rồi thì nên dành thời gian êm đềm cho con cái thôi chăng.
Rồi tôi đi vào Nam, những ngày sống một mình nơi xứ lạ tôi nhớ nhà, nhớ quê hương lạ lùng nhưng nhớ nhất vẫn là nỗi nhớ ba. Hàng tháng trời không có bữa ăn nào của tôi là không có nước mắt, không có đêm ngủ nào mà tôi không mơ về gia đình, về ba mẹ tôi.
Một thời gian sau ba tôi vào thăm tôi và có đem theo mấy người cháu con của cô Ba tôi (ông đang thực hiện chuyển gia đình từ từ vào Nam), tôi nhào ra đường khi vừa thấy ba và òa lên khóc nức nở, tôi khóc cho thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ ba.
Có lẽ hình ảnh xúc động đó cộng với những tình cảm mà gia đình dành cho tôi khi tôi đi xa đã thôi thúc ba tôi chuyển nhà vào luôn trong Nam ngay sau khi ông về lại lần đó.
Rồi gia đình tôi vào ở Long thành, làm rẫy, làm vườn, làm thợ mộc, không có việc gì ba tôi không làm. Lúc này tôi đang ở Long khánh cùng anh Thuận nên cũng không thường gặp ba. Một đêm mưa trong khi đang ngủ lại trong rừng để giữ rẫy thì linh tính báo cho ông biết nên di chuyển chỗ ngủ khác và y như là trong phim, khi ba cùng mấy đứa em đi chuyển ra khỏi khu vực đó thì một cơn lũ quét tràn về cuốn phăng tất cả, san bằng khu đó thành bãi đất trống. Ba và các em thì thoát nạn nhưng mẹ tôi và mấy đứa em nhỏ cùng cả gia đình chú tôi thì không, mọi người cùng phải vật lộn cùng thác lũ để thoát nạn, may thay không ai bị thương, hay mất tích trong đợt lũ đó.
Sau trận lũ đó ba tôi quyết định chuyển nhà một lần nữa về Xuân thọ, Xuân lộc, Đồng nai. Những năm tháng ở đây là một chuỗi ngày khó khăn gian khổ của cả ba mẹ tôi. Không có đất làm ruộng, làm rẫy, ba tôi đi làm nghề, mẹ tôi buôn bán, nhưng ở cái chốn khó khăn này thì làm nghề và buôn bán cũng khắn kho, ba tôi xin đất bỏ hoang của người ta để cho gia đình là ruộng, đi khai hoang rừng để làm rẫy. Nhờ chịu khó làm ăn và tiết kiệm chẳng bao lâu sau ba mẹ tôi đã cất được một ngôi nhà 3 gian gỗ tốt, mái lợp ngói đỏ chót đầu tiên ở trong vùng. Tôi còn nhớ ngày dựng nhà ngoài các món ăn đãi thợ thì dưới bếp mẹ tôi đem ra một nhúm sắn (khoai mì) khô để dành lâu rồi để nấu cho chúng tôi ăn.
Trong những năm đó ba tôi còn làm nhà cho Cô hai, cô Ba, cô Năm rồi chú Sáu tôi mà không hề lấy một đồng tiền công nào.
Tôi không thể nhớ hay biết ba tôi đã làm nhà cho mình và chuyển nhà bao nhiêu lần trong cuộc đời ông nhưng ông tính thì đâu 15 hay 16 lần gì đó. Con người ta một đời người làm được một cái nhà thì đã đáng quý, thế mà ba tôi.....
Thế mà khi gia đình có tý kinh tế là ba tôi bắt tay vào công việc nhớ ơn tổ tiên ông bà, nào là mộ ông nội, mồ mả các cô chú, nhà thờ Họ, mồ mả tổ tiên.... và cúng bái. Ba tôi đặc biệt chú trọng việc tế lễ cúng bái. Tôi không phủ nhận rằng gia đình tôi có như ngày hôm nay là nhờ ơn đức của ông bà ban cho và những lời khẩn cầu của ba tôi đã động lòng tổ tiên trời phật.
Trong khi tôi vừa có việc làm (CN dầu khí) thì những đêm nằm bên ba vào những dịp về thăm nhà ba tôi thường bảo tôi lập gia đình (tôi đã 30t), tôi bảo chưa có nhà cửa, cha mẹ còn nghèo, em út đang đi học, thì ba tôi bảo:" Con lấy vợ đi rồi thì caí gì cũng có, giúp đỡ cha mẹ và em út thì giúp cả đời chứ đâu phải chưa có vợ mới giúp còn có vợ rồi thôi đâu". Ba tôi đã đúng. Theo sau tôi là mấy đứa em tôi ba mẹ tôi đều dựng vợ, gả chồng chu đáo.
Ai cũng bảo ba tôi nóng tính do thờ tượng Quan Công trong nhà nhưng tôi không nghĩ vậy, ba tôi lo cho sự nghiệp của chúng tôi, lo cho hạnh phúc đại gia đình tôi. Ba tôi thường nói:"Mình nghèo thì người ta khinh mình một, còn mình có mà mà mình không biết giữ thì người ta khinh mình mười".
Lần cuối (chắc là cuối rồi) ba tôi làm nhà là lần chuyển lên SG.
Ba tôi nay đã gần 70t, sắp đến cái tuổi xưa nay hiếm rồi, ông nhỏ người lại (trước đây ba tôi cao 1.75m, nặng hơn 75kg) da dẻ nhăn nheo rồi nhưng còn hồng hào, mái tóc hoa râm ngày nào giờ đã bạc trắng hết rồi, những bệnh lặt vặt tuổi già cũng đang hàng ngày làm phiền ông. Cuộc đời ba tôi là một chuỗi ngày khó khăn gian khổ, hết lòng chăm lo cho gia đình, vợ con, cha mẹ, tổ tiên ông bà mà trong này tôi không thể viết hết được.
Ba tôi không được học nhiều nhưng sách thánh hiền ông thường đọc, ở đời nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, khối người học thức mà đã có thể so bì được với ông.
Đến nay mặc dù đã tuổi già sức yếu nhưng không có việc gì của con cháu mà ông không quan tâm, lo lắng. Niềm vui của ba tôi giờ là ngồi nhìn con cháu sức khỏe, thành đạt.
Thưa ba! Trong cuộc sống con còn trẻ người non dạ, không thể không có những phút không kiềm chế để làm cho ba buồn, con thực sự ân hận. Con thành thật cúi đầu xin lỗi ba, ba hãy tha thứ cho con nhé ba. Con không thể tưởng tượng ra được cái ngày không còn có ba trên đời, con mong trời phật, ông bà phù hộ cho ba được mạnh khỏe để con luôn có ba bên mình.
0 Comments:
Post a Comment